Được thành lập ngày 30/8/2006 theo Quyết định số 1931/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đến nay, trường THPT Quốc Tuấn nằm trên quê hương Trạng nguyên Trần Tất Văn và Núi Voi anh hùng đã tròn 10 năm tuổi. Sự ra đời của nhà trường trong giai đoạn đất nước và thành phố đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn lực con người Việt Nam càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phát triển đất nước, thành phố và địa phương.
Ngay sau khi có quyết định thành lập trường, thầy Phạm Huy Hùng – nguyên là Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Vĩnh Bảo được Sở GD&ĐT bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Lãnh đạo nhà trường tiếp nhận quản lý toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh (41 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 806 học sinh tương đương với 17 lớp); từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức của nhà trường. Với 3 đảng viên đầu tiên, Huyện ủy An Lão đã có quyết định thành lập Chi bộ Đảng trường THPT Quốc Tuấn. Việc thành lập Chi bộ Đảng vào ngày 04 tháng 12 năm 2006 có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhà trường, bởi đây sẽ là tổ chức chính trị lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường. Thầy Pham Huy Hùng – Hiệu trưởng nhà trường được chỉ định làm Bí thư chi bộ, cùng 2 đồng chí đảng viên khác là thầy Đỗ Văn Hoàn và thầy Bùi Văn Tưởng.Chi bộ đảng trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo các nhiệm vụ về công tác kiện toàn các tổ chức chính trị nhà trường; hoàn thiện hồ sơ đề nghị với Công đoàn Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và Ban thường vụ Huyện đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện An Lão xin được thành lập 02 tổ chức chính trị trong nhà trường. Ngày 23 tháng 1 năm 2007, Công đoàn nhà trường được thành lập, thầy Đỗ Văn Hoàn, được chỉ định làm Chủ tịch Công đoàn trường. Tiếp theo đó, ngày 17 tháng 5 năm 2007, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường được thành lập, cô Đào Thị Thanh Thủy được chỉ định làm Bí thư Đoàn trường. Tháng 4/2007, thầy Đỗ Văn Hoàn được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng, sát cánh cùng Hiệu trưởng trong việc tổ chức, quản lý nhà trường.Và như vậy, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường đã được kiện toàn đầy đủ. Từ đây, nhà trường dần đi vào ổn định và chăm lo cho việc tổ chức và nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng trường.
Ngày mới thành lập, nhà trường chưa có địa điểm, phải mượn một địa điểm tại trường THPT An Lão là một dãy nhà cấp 4 và một địa điểm là Trung tâm Dạy nghề huyện An Lão (Từ năm 2006 đến năm 2008). Đến năm 2008, nhà trường hoàn thành dãy nhà 3 tầng đầu tiên với 12 phòng học, trong đó sử dụng 9 phòng cho học văn hóa, 1 phòng học Tin học, 1 phòng làm Phòng họp, 1 phòng làm Phòng đợi của giáo viên, các phòng. Các phòng làm việc của Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TN, thiết bị thí nghiệm, thư viện… được bố trí tạm vào các phòng chờ giáo viên nhỏ trên mỗi tầng học. Và trong suốt thời gian từ 2008 đến tháng 12 năm 2015, nhà trường vẫn phải bố trí hoạt động tại 2 địa điểm cách nhau hơn 7 km: 1 là ở trường chính (Thôn Đông Nham - Xã Quốc Tuấn), 2 là ở Trung tâm Dạy nghề huyện (Thôn Xuân Sơn – Xã An Thắng). Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường phải đi lại 2 nơi liên tục, ngày nắng cũng như ngày mưa, không quản khó khăn, cố gắng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhà trường từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Sân Giáo dục thể chất là công trình thanh niên được hoàn thành vào tháng …/2009 trở thành nơi học sinh tham gia học bộ môn GDTC và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao khác như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền v.v…Nhà Công vụ được Công đoàn ngành hỗ trợ kinh phí xây dựng với 1 nhà ăn, 1 nhà cấp 4 với 4 phòng bố trí cho cán bộ, giáo viên nghỉ ngơi trưa. Nhà ăn sau này được nhà trường cải tạo thành Hội trường phục vụ cho việc tổ chức các cuộc họp của Hội đồng sư phạm.
Hằng năm nhà trường cùng Đoàn thanh niên, Ban đại diện CMHS phát động Tết trồng cây nhằm huy động cây xanh bổ sung vào vườn trường. Đến nay, hệ thống cây xanh bóng mát của nhà trường đã phủ khắp, tạo không gian xanh cho toàn bộ ngôi trường. Đoàn Thanh niên được giao nhiệm vụ chăm sóc toàn bộ vườn trường và hệ thống cây xanh.
Đến tháng 01 năm 2016 nhà trường đã tiến hành xây dựng và hoàn thành thêm 01 dãy nhà lớp học gồm 12 phòng học và 03 phòng nhỏ giống như thiết kế của dãy nhà lớp học đã được xây dựng giai đoạn1 và chuyển toàn bộ cơ sở vật chất từ Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão về trường THPT Quốc Tuấn và bắt đầu từ đây nhà trưởng đã tổ chức dạy và học tại một địa điểm, dãy nhà lớp học mới được bố trí 10 phòng để dạy và học, 01 phòng dùng làm phòng Tin học, 01 phòng làm phòng Thư viện, 03 phòng nhỏ dùng làm phòng làm việc, phòng y tế, phòng họp tổ chuyên môn. Đây là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cá nhân thầy Hiệu trưởng và tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường trong việc đưa nhà trường về một địa điểm. Và từ đây, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường đã bớt đi nhiều vất vả, tất cả đã về một mối. Đội ngũ tập trung cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, trong những năm qua, nhà trường xác định phải đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong 10 năm qua, nhà trường đã có 13 thầy, cô giáo tham gia các lớp đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành: Quản lý giáo dục, Ngữ văn, Toán, Hóa học, Tin học, Sinh học...), trong đó có 3 thầy, cô giáo trong Ban giám hiệu và 10 thầy, cô giáo ở các tổ chuyên môn. Cùng với đó, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và kĩ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng trong dạy học và quản lý do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đầu tư mạnh về cơ sở vật chất. Với phương châm xây dựng đến đâu hiện đại đến đó, ngay từ khi hoàn thành xây dựng trường giai đoạn 1, nhà trường đã lắp đặt hệ thống máy chiếu Projector trong các phòng học, lắp đặt hệ thống camera, wifi; thành lập trang web riêng; mua sắm các thiết bị, đồ dùng dạy học, đầu tư sách thư viện.... phục vụ yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, công tác quản lý của lãnh đạo nhà trường. Hiện nay, tất cả các phòng học đều được lắp đặt tivi màn hình lớn thay thế cho toàn bộ hệ thống máy chiếu cũ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”.
Theo tinh thần đó, đội ngũ giáo viên trường THPT Quốc Tuấn nhanh chóng thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc HS học được cái gì đến chỗ quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, giáo viên trong nhà trường chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn mỗi bộ môn đã bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp. Chỉ riêng trong năm học 2015 – 2016 trên các nhóm bộ môn, nhà trường đã xây dựng được 63 chủ đề gửi lên trường học kết nối. Nhiều chủ đề dạy học được lãnh đạo Sở đánh giá rất cao về chất lượng. Đặc biệt có 6 chủ đề tích hợp và liên môn tham gia thi thành phố đều đạt giải. Trong đó phải kể đến 01 chủ đề liên môn đạt giải nhì thành phố và chủ đề tích hợp đạt giải 3 quốc gia. Từ việc tổ chức hoạt động học tập chủ yếu trên lớp, nay nhà trường đa dạng hóa các hình thức: trên lớp, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, các hoạt động xã hội, từ thiện, câu lạc bộ, trải nghiệm thực tế. Nhà trường cũng tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Cũng chỉ riêng trong năm học 2015 – 2016, nhà trường tổ chức được 9 lượt hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh tất cả các khối lớp. Khi tham gia những hoạt động này đã thực sự khơi dậy được hứng thú học tập cho học sinh. Học sinh tích cực tham gia, tích cực tìm hiểu và tích cực khám phá, tự mình làm chủ kiến thức, giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Cùng với đó, trong mỗi bài học, học sinh được dạy học tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo quốc gia, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, đa dạng sinh học, tuyên truyền phòng chống tham nhũng, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, các vấn đề pháp luật, di sản văn hóa….Đây là chính là một trong những nội dung của đổi mới PPDH.
Để đổi mới PPDH theo hướng phát triển năng lực học sinh, GV trong nhà trường đã đổi mới từ khâu thiết kế các hoạt động, các tình huống học tập cho học sinh. Học sinh được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình, từ đó nắm được kiến thức kĩ năng mới, vừa nắm được phương pháp "làm ra" kiến thức, kĩ năng đó, không rập theo những khuôn mâu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo.
Phong trào dạy tốt, học tốt thường xuyên được phát động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong hoạt động dạy và học của đội ngũ thầy và trò. Trung bình mỗi năm có hơn 6500 giờ học tốt của học sinh các lớp, hơn 400 giờ dạy tốt của các thầy, cô giáo. Những giờ học tốt, dạy tốt này đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Với khó khăn là một nhà trường có chất lượng đầu vào thấp nằm trong tốp dưới của thành phố, chất lượng học sinh không có độ nhô. Nhà trường xác định phải đầu tư vào các mặt trận mũi nhọn như: bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh thi đại học, cao đẳng. Những giáo viên có năng lực chuyên môn vững và có tinh thần trách nhiệm cao được phân công phụ trách các mảng mũi nhọn này. Đây là mặt trận vô cùng khó khăn. Mỗi thầy, cô giáo được giao nhiêm vụ đều làm việc với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, vừa là để khẳng định năng lực bản thân, vừa là vì thành tích chung của nhà trường. Trên mặt trận bồi dưỡng học sinh giỏi, từ năm đầu tiên có 3 học sinh đạt giải học sinh giỏi thành phố, đến nay nhà trường đã có 136 giải học sinh giỏi các môn văn hóa, giải toán trên MTCT, Công nghệ và Thể thao. Một số học sinh được tham gia dự thi vào đội dự tuyển quốc gia môn Lịch sử, môn Địa lí. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mạnh dạn cử và hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn và Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học và đã đạt kết quả tốt. Đối với Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn, trường có: 5 giải cấp thành phố và 1 giải cấp quốc gia; Đối với Cuộc thi KHKT, trường có 1 giải nhì và 1 giải ba cấp thành phố. Tỉ lệ học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng trung bình đạt từ 40 đến 70% trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Kết quả giáo dục đại trà có những chuyển biến tích cực. Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi từ 0,1% đã tăng lên 20,3% ; học sinh xếp loại học lực khá từ 50% lên đến hơn 70%. Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực yếu giảm dần, còn không quá 0,5%. Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ thực hiện tốt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và thành phố.
Cơ chế động viên khen thưởng phù hợp đối với thầy cô giáo và các em học sinh có thành tích tốt trong dạy và học cũng đã tạo động lực để các thầy cô tập trung trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, các em học sinh nỗ lực, phấn đấu học tập.
Xác định được khó khăn cơ bản là chất lượng đầu vào còn thấp, nên trong những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã có những cách làm táo bạo mà có thể khẳng định chưa một nhà trường nào trên địa bàn thành phố làm, đó là tặng học bổng cho học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là cách làm nhằm thu hút học sinh có năng lực tốt về học tập tại nhà trường. Với cơ chế tuyển sinh đặc biệt, chất lượng đầu vào hằng năm của trường có sự chuyển biến tích cực, nhà trường đã dần thu hút được một lượng học sinh có chất lượng đầu vào tốt, trở thành mũi nhọn trên mặt trận học sinh giỏi, đại học, cao đẳng..
Song song với việc đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, lãnh đạo nhà trường coi giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, năng lực tư duy cho học sinh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và thực tiễn của nhà trường là chất lượng đầu vào còn thấp; thêm vào đó là mặt trái của nền kinh tế thị trường, của KHCN, sự du nhập văn hóa.....đã tác động không nhỏ đến lối sống, đạo đức, suy nghĩ của học sinh. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các tổ chuyên môn chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, mà thực tế phải đặt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh lên hàng đầu. Xác định rõ được nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là chất lượng giáo dục mà tập trung vào thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, trong 10 năm qua, nhà trường đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, hình thành nhân cách và phát triển năng lực của học sinh. Phong trào “Xây dựng phong cách, phẩm chất đạo đức, tác phong mang đặc trưng học sinh THPT Quốc Tuấn” với 10 đặc trưng nổi bật: Trang phục chuẩn; Tác phong nghiêm; Học tập siêng; Rèn luyện chăm; Ứng xử tốt; Kỉ luật cao; Nề nếp nghiêm; Nghị lực vững; Ý chí bền; Mục tiêu sáng đã thực sự đi vào chiều sâu và đem lại kết quả cao. Học sinh nhà trường đã có những nét đặc trưng riêng, từ đầu tóc, trang phục đến cách ứng xử, giao tiếp đối với thầy, cô, bạn bè, người lớn tuổi, nhận thức và thực thi pháp luật….Tất cả đều theo chuẩn mực được quy định. Lãnh đạo các cấp đã có những ghi nhận và đánh giá cao công tác giáo dục đạo đức học sinh của nhà trường. Nhân dân, cha mẹ học sinh trên địa bàn huyện tin tưởng vào đội ngũ thầy, cô giáo tận tâm, trách nhiệm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phát động hai phong trào trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh, đó là: “Xây dựng hình ảnh mỗi thầy giáo cô giáo, cán bộ, nhân viên là biểu tượng đẹp trong tâm hồn tươi sáng của học trò thân thương” và “Cha mẹ đồng hành cùng con trong việc hình thành nhân cách, lối sống”.
Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh toàn diện, nhà trường, Đoàn Thanh niên tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo với các hình thức khác nhau. Các hội thi, hội diễn như: Thanh niên với An toàn giao thông; Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS; Phòng chống tác hại thuốc lá; Nói “Không” với bạo lực học đường; Diễn đàn Khi tôi 18; Lý tưởng Tuổi 18; Các hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ: Nhà giáo Việt Nam; Quốc tế phụ nữ; Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Các hoạt động giao lưu văn nghệ Lễ hội truyền thống Núi Voi; Các hoạt động thể thao: giải bóng đá nam, bóng đá nữ, cầu lông, bóng bàn; Hội thi “Văn học và Cuộc sống”, “Vui khoa học - Hướng tới tương lai”, Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao Giáo dục QP-AN ... đã thực sự tạo sân chơi thư giãn, giải trí cho các em học sinh, giúp các em cân bằng việc học tập và vui chơi, tạo không khí học tập thoải mái, đồng thời giúp các em tăng cường hiểu biết về các vấn đề pháp luật, đời sống xã hội. Các hoạt động trải nghiệm tại Núi Voi, Vương triều Nhà Mạc, Đền trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồi Thiên Văn, Lữ đoàn Hải quân 679, Nhà máy sản xuất ô tô Hoa Mai v.v.... Các chiến dịch tình nguyện, bảo vệ môi trường, hoạt động nhân đạo, từ thiện, chăm sóc di tích lịch sử, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng v.v...được nhà trường quan tâm giáo dục học sinh thường xuyên. Tất cả đã mang lại cho học sinh những trải nghiệm thú vị về cuộc sống thực tiễn với kiến thức trong sách vở, giúp các em phát huy được kĩ năng thực hành, kĩ năng hoạt động nhóm, năng lực tư duy, biết chia sẻ, cảm thông, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, nhà trường và xã hội. Việc tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cùng với môi trường giáo dục có nền nếp, kỷ cương, kỷ luật cao nên các em học sinh nhà trường phần lớn là những học sinh chăm ngoan, có ý thức tổ chức kỉ luật, có tác phong và phẩm chất đạo đức tốt mang đặc trưng có tính khác biệt của học sinh trường THPT Quốc Tuấn. Tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt tăng đều hằng năm, từ trên 60% lên đến trên 98%, trong đó loại tốt chiếm trên 90%. Học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu gần như không có. Đây là kết quả rất đáng mừng trong công tác giáo dục học sinh toàn diện của nhà trường.
Công tác phổ cập giáo dục học sinh được nhà trường triển khai thực hiện tốt. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp thường xuyên quan tấm, bám sát lớp chủ nhiệm, làm tốt công tác tư vấn cho học sinh; tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh và thường xuyên đến thăm hỏi gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Tỉ lệ học sinh bỏ học đã giảm rất nhều so với những năm học đầu.
Có được kết quả trong giáo dục học sinh như trên, vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm rất lớn. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên nhà trường đóng vai trò không nhỏ. Đây là tổ chức chính trị tiên phong trong các hoạt động của nhà trường, đặc biệt trong việc giáo dục học sinh. Kể từ khi được thành lập và tháng 5/2016, Đoàn thanh niên nhà trường đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Liên tục trong 9 năm, Đoàn thanh niên nhà trường dẫn đầu công tác Đoàn và PTTN trong huyện, và là đơn vị đại diện cho huyện An Lão tham gia nhiều cuộc thi cấp thành phố. 4 năm được nhận bằng khen của Thành Đoàn Hải Phòng; 5 năm được TW Đoàn tặng bằng khen.
Với một nhà trường mới, còn khó khăn về cơ sở vật chất. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản trẻ, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều. Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên có con còn nhỏ, đang độ tuổi học mầm non đến THCS, phổ biến là bậc mầm non và tiểu học. Nhiều giáo viên nhà xa, kinh tế còn khó khăn… Động viên đội ngũ cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ trong những năm qua chính là Công đoàn nhà trường.
Trong những năm qua, cùng với nhà trường, Công đoàn đã phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt các cuộc vận động của ngành và phong trào của nhà trường: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Xây dựng hình ảnh thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên trường THPT Quốc Tuấn là biểu tượng đẹp trong tâm hồn tươi sáng của học trò thân thương”.Bên cạnh đó, Công đoàn luôn chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường về cải tiến lề lối làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các công nhân viên. Hoạt động thăm, hỏi, hiếu hỷ cũng đã có sự đổi mới. Các cụ cao tuổi là bố, mẹ của các công đoàn viên đều được thăm hỏi, tặng quà chúc thọ nhân dịp đầu xuân mới; tổ chức Tết trung thu, tặng quà cho các cháu con cán bộ, giáo viên, nhân viên có thành tích học tập tốt; tổ chức cho các cháu đi vui chơi vào dịp hè; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên đi tham quan, học tập ở các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt.... Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho công đoàn viên như: khiêu vũ, các cuộc thi văn nghệ, trò chơi dân gian nhân các dịp 20/10, 8/3 … đem lại đời sống tinh thần phong phú cho công đoàn viên trong cơ quan, tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi, hào hứng trong nhà trường. Công đoàn cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do Công đoàn cụm và thành phố tổ chức. Đội bóng đá thân thiện của nhà trường đã 2 lần dành giải nhất cấp cụm, trong đó một lần lọt vào đến vòng tứ kết Giải bóng đá thân thiện cấp thành phố. Tại hội thi “Tiếng hát người giáo viên nhân dân” do công đoàn ngành giáo dục Hải Phòng tổ chức lần thứ nhất, tiết mục văn nghệ của công đoàn trường đã dành giải nhất cấp cụm và tham gia biểu diễn tại buổi tổng kết cấp thành phố. Các hoạt động quyên góp ủng hộ giáo viên, học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, xây dựng quỹ “Mái ấm tình thương” do Công đoàn ngành phát động, quyên góp ủng hộ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trong trường… được Công đoàn trường tổ chức thực hiện có hiệu quả. Với các hoạt động tích cực và hiệu quả, 7 năm liền từ năm học 2009 – 2010 đến năm học 2015 – 2016 Công đoàn trường đều được công nhận là “Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc"; 2 lần được nhận Bằng khen của Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng vào các năm 2010 – 2011 và 2014 – 2015; một lần được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam vào năm 2011 – 2012, ngoài ra liên tục được nhận giấy khen của Công đoàn Giáo dục Hải Phòng.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục luôn được quan tâm, nhà trường đã triển khai thu thập minh chứng hàng năm, tổ chức tự đánh giá và đăng kí với Sở đánh giá ngoài. Năm học 2013-2014 nhà trường đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng giáo dục và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2 trong số 5/64 trường THPT trên địa bàn thành phố (Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, Giám đốc kí ngày 18/11/2013 và vào sổ đăng kí: 106). Sau khi hoàn thành đánh giá ngoài, nhà trường vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thu thập minh chứng để hàng năm tự đánh giá và xác định đây chính là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Công tác xã hội hóa giáo dục đã được nhà trường quan chú trọng ngay từ khi thành lập. Nhà trường đã huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục, trong đó đặc biệt xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường với các địa phương, nhà trường với gia đình. Nhà trường đã tổ chức những buổi giao lưu về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với Đoàn thanh niên các xã, thị trấn; huy động cha mẹ học sinh chung tay cùng nhà trường tổ chức các hoạt động và cùng tham gia vào quá trình quản lý và giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm, tư vấn cho cha mẹ học sinh, tư vấn tâm lý giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh. Có thể khẳng định, trong những năm qua, mối quan hệ Gia đình – Nhà trường – Xã hội thực sự tốt đẹp và có hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vu giáo dục học sinh.
Với những kết quả đạt được do sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ, trường THPT Quốc Tuấn đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận. Nhà trường liên tục nằm trong tốp đầu của khối thi đua trong đó có 3 năm liền được công nhận đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và 2 năm liền được UBND thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc; được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2009-2010 đến năm học 2011-2012, góp phần công nhận là lá cờ đầu bậc THPT trong toàn thành phố, được Bộ Giáo dục và Đào tạotặng bằng khen. Các tổ chức đoàn thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được công nhận danh hiệu vững mạnh xuất sắc. Nhiều cá nhân được nhận bằng khen của Bộ, Sở GD&ĐT, UBND thành phố, TW Đoàn, Thành Đoàn, Công đoàn Giáo dục Hải Phòng và Liên đoàn Lao động thành phố.
Nhìn lại chặng đường 10 năm của ngôi trường mới đầy khó khăn, gian nan và thử thách, nhưng với sự quan tâm, tạo điệu kiện của các Sở, Ban, Ngành thành phố, sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND, HĐND huyện An Lão, sự ủng hộ đồng hành của cha mẹ học sinh nhà trường, và đặc biệt vớisự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của đội ngũ, trường THPT Quốc Tuấn đã biết biến khó khăn thành thuận lợi, biến không thành có, biến khó thành dễ và biến không thể thành có thể, biến chủ trương thành hành động để từng bước xây dựng, ổn định và phát triển nhà trường một cách toàn diện mang tính hiệu quả, chắc chắn, bền vững và hướng tới hiện đại, chất lượng cao. Mười năm - một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn nhận đánh giá về một nhà trường trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Những kết quả đạt được sau 10 năm đầu và giai đoạn đầu “Dấu ấn, điểm nhấn, ấn tượng”, cùng với lộ trình và mục tiêu được hoạch định rõ trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 đến năm 2015 và tầm nhìn năm 2030 đã, đang và sẽ là minh chứng cho sức trẻ đầy nhiệt huyết, khát vọng và niềm tin vào hiện tại và tương lai của một nhà trường mới trên đất Trạng nguyên Trần Tất Văn và quê hương Núi Voi An Lão anh hùng.
Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, đảm bảo quy mô, chất lượng làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thành phố, đáp ứng Có thể nói, có được những kết quả đáng mừng như vậy là do nhà trường đã Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Huyện uỷ, UBND huyện An Lão, các cấp, các ban ngành thành phố và địa phương đã quan tâm và giúp đỡ tạo điều kiện. Với những thành tích đã đạt được, nhằm đáp ứng căn bản yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân, nhà trường tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục toàn diện học sinh. Đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá và tự đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và đối tượng học sinh. Nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể bằng việc đổi mới nội dung và hình thức tạo nên sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn và cuốn hút học sinh. Chú trọng đến giáo dục kĩ năng sống và khả năng giao tiếp, ứng xử trong học sinh...
Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức nghề nghiệp, có sự đam mê và yêu nghề, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng; có phong cách, phương pháp và khả năng xử lí các tình huống trong giáo dục cao; có trình độ Tin học và Ngoại ngữ; có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ, hợp tác với đồng nghiệp và có quyết tâm, tâm huyết, gắn bó với trường lớp và có trách nhiệm với bản thân. Đẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch cử giáo viên tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng chuẩn...
Ba là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện trường học. Hoàn thành cơ bản công tác xây dựng nhà trường theo đúng thiết kế và qui hoạch tổng thể; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt cho công tác quản lí, cho hoạt động dạy và học, cho mọi hoạt động của nhà trường theo hướng hiện đại hóa; chăm lo quản lí, giữ gìn và đảm bảo an toàn tài sản của nhà trường; Tăng cường đầu tư thiết bị thí nghiệm, phòng học bộ môn đảm bảo chuẩn đáp ứng tốt cho thí nghiệm thực hành và học nghề trên tất cả các môn học; Thư viện trường học hướng tới chuẩn đủ diện tích cho kho sách, phòng đọc; đủ đầu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và sách báo để giáo viên và học sinh có thể nghiên cứu và học tập.
Bốn là, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin một cách toàn diện trong công tác quản lí, hoạt động dạy và học, chuyên môn và nghiệp vụ; Cập nhật thông tin thường xuyên trên trang thông tin điện tử của nhà trường, mở rộng hệ thống mạng wifi; hệ thống camera, hệ thống máy chiếu Projecter...được hoàn thiện và khai thác có hiệu quả; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin, kĩ năng sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học và quản lý cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có máy tính xách tay;
Năm là, huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục. Xây dựng nhà trường làm một môi trường văn hóa, an toàn, thân thiện có ý thức chấp hành tốt qui chế trường lớp; thực hiện tốt qui chế dân chủ; Tích cực chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; Huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc phát triển nhà trường về nhân lực, trí lực, vật lực, tài lực…
Sáu là, xây dựng thương hiệu. Lấy cơ sở vật chất và môi trường học đường làm niềm tin; lấy đội ngũ làm điểm tựa và chỗ dựa; lấy chất lượng giáo dục để khẳng định uy tín và thương hiệu nhà trường.
10 năm, một chặng đường chưa phải là dài trong lịch sử một nhà trường nhưng thầy và trò trường THPT Quốc Tuấn đã có được những thành công bước đầu đáng tự hào, tạo nền móng cơ bản và vững chắc cho sự phát triển nhà trường trong tương lai với mục tiêu hướng tới một nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, có mô hình giáo dục chuẩn mực, hiện đại, gắn liền với xu thế phát triển của thành phố và đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.